CÔ SÁU THIA NGƯỜI PHỤ NỮ DẠY BƠI CHO TRẺ EM VÙNG SÔNG NƯỚC XÃ HƯNG THẠNH

CÔ SÁU THIA NGƯỜI PHỤ NỮ DẠY BƠI CHO TRẺ EM VÙNG SÔNG NƯỚC

XÃ HƯNG THẠNH

        Trong chương trình Mãi mãi thanh xuân của đài truyền hình Tp.Hồ Chí Minh HTV 7  đã dành chọn thời gian phát sóng để nói về Cô sáu thia người được mệnh danh là 1 trong 3 người phụ nữ Việt Nam được BBC vinh danh là người phụ nữ tiêu biểu toàn cầu năm 2017.

      Cô sáu được sinh ra ở miền quê sông nước, bên cạnh những kỷ niệm đẹp đẽ mà dòng nước hiền hòa mang tới, trẻ em vùng này cũng thường phải đón nhận những ký ức đầy ám ảnh, khi những người bạn của chúng đã bị dòng nước lũ cuốn đi…Vùng sông nước Hưng Thạnh từng trải qua bao mùa bão lũ nhiều đau thương. Nhưng từ khi có lớp học bơi của bà Sáu Thia, mọi chuyện dường như khác hẳn.

      Ở những khúc sông quen thuộc với những người dân ở các ấp của Xã Hưng Thạnh, người ta lại thấy xuất hiện những bể bơi tạm thời được quây lại bằng những cọc tre và những tấm lưới rất đơn sơ. Bà Sáu Thia chính là người đã tạo ra những hồ bơi vuông vắn và vừa vặn với những đứa trẻ thấp bé nơi thôn quê ấy.

3

       Bà Sáu Thia tên đầy đủ là Trần Thị Kim Thia, bà năm nay cũng đã bước sang tuổi 60. Hầu hết mọi phụ nữ ở tuổi của bà đã lên chức bà nội, bà ngoại, đang bận vui vầy, chăm sóc những đứa cháu của mình. Nhưng bà Thia lại khác, bà vẫn một mình đi về nơi căn nhà mà những người dân ở đây thương bà mà cất cho. Hàng ngày, bà đi bán vé số để kiếm tiền mưu sinh.

      Cuộc sống lẻ bóng của bà Thia thoạt nhìn thật vất vả, thật buồn và cũng thật cô đơn, nhưng đó không hẳn là toàn bộ cuộc sống của người phụ nữ tóc cắt ngắn, da đen sạm và khuôn mặt đầy những nét khắc khổ này. Bởi bên cạnh cuộc sống của một người bán vé số cô đơn, bà còn một cuộc sống khác ý nghĩa và vui vẻ hơn rất nhiều. Gọi một cách hình ảnh, đó là cuộc sống của “một huấn luyện viên bơi lội”.

      Tuy nhiên, bà Thia không dạy những đứa trẻ miền sông nước bơi lội để tranh tài cao thấp, bà dạy đám trẻ bơi là để chúng biết cách tự cứu mình khi không may rơi xuống nước và không có ai ở đó để trợ giúp.

2

       Đã từ 16 năm nay, trên những khúc sông quê yên bình của xã Hưng Thạnh, nơi những chiếc bể bơi nhỏ tự dựng, tự chế, đều vang lên những tiếng đạp nước, tiếng trẻ con ngụp lặn, vẫy vùng, tiếng cười nói của lũ trẻ và cả tiếng chỉ dẫn sang sảng của bà giáo Sáu.

      Người dân đi qua đây đều phải mỉm cười trước cảnh tượng, một đám trẻ ngây thơ, mắt đứa nào đứa nấy đều sáng ngời lóng ngóng làm những động tác tập bơi trên bờ. Bà Sáu rất cẩn thận, trước khi cho những đứa trẻ xuống bể bơi, bà luôn cho chúng khởi động kĩ càng, tập nhuần nhuyễn những động tác tay, động tác chân trên bờ để cơ thể thật sự nóng lên.

     Dưới bể, bà đỡ cho từng em nhỏ học bơi, đứa nào cũng được bà đi sát cùng cho tới khi chúng học được cách làm người nổi lên, khua tay chân cho đúng để có thể tiến về phía trước. Những em bơi chưa tốt, bà sẽ cho bơi cùng một bạn khác, để chúng kèm nhau,cho chúng tự tin hơn.

     Sự tận tình của bà Sáu đã khiến lũ trẻ học được một kĩ năng sinh tồn quan trọng chỉ trong một thời gian ngắn. Lớp học của bà đã khiến rất nhiều cha mẹ của vùng sông nước cảm thấy yên tâm.

1

        Bà Sáu kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của mình. Cách đây hơn 10 năm, khi đó Gấm mới 6 tuổi nhà ở ấp 3. Trong một lần xuống sông, em bỗng trượt chân rơi giữa dòng nước. Em nhỏ này đã tự bơi được tới nơi an toàn nhờ đã học khóa bơi chỗ bà Sáu. Không chỉ dành thời gian và tâm sức của mình cho lũ trẻ, bà còn không nhận một đồng học phí nào. Cả khi phụ huynh muốn gửi tới bà chút tiền bà đều nhất mực từ chối. Bởi bà làm công việc này vì tình yêu với lũ trẻ, vì không còn muốn nhìn thấy cảnh cha mẹ mất con đau đớn trong mùa lũ.

4

       Tấm lòng của bà sáu như làn gió lành của mùa hạ đi khắp bốn phương. Mới đầu chỉ có một, hai ấp là có trẻ em tới học lớp bà. Vậy mà giờ đây, trẻ con ở tất cả các ấp của xã Hưng Thạnh đều biết bà Sáu dạy bơi. Nếu tính cả 16 năm trong nghề huấn luyện của mình, bà Thia đã giúp hơn 2000 đứa trẻ biết tự bảo vệ mình khi rơi xuống dòng nước lớn.Hiện tại hầu hết thời gian của bà đều dành hết cho các em. Bà Sáu tuyên bố “chắc nịch”: “Khi nào tôi đi hết nổi, chạy xe hết nổi thì tôi mới nghỉ dạy bơi cho mấy đứa nhỏ”. Bởi bà tâm niệm, còn khỏe mạnh thì còn cố gắng làm việc có ích cho đời.

Trả lời